Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM vừa nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá chất lượng và hiệu quả trường chuyên THPT tại TP.HCM” do Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện.



Học giỏi nhưng thiếu kỹ năng xã hội

Nhóm nghiên cứu đã trắc nghiệm IQ (chỉ số thông minh) để đo lường các kỹ năng: tư duy logic, tư duy ngôn ngữ, tư duy kỹ thuật, tư duy hình tượng, khả năng quan sát và khả năng ngôn ngữ trên 800 HS ở sáu trường THPT tại TP.HCM, bao gồm ba trường chuyên là Lê Hồng Phong (LHP), Trần Đại Nghĩa (TĐN), Phổ thông năng khiếu - ĐHQG TP.HCM (PTNK), trường có lớp chuyên Nguyễn Thượng Hiền và hai trường bình thường có lớp chọn là Giồng Ông Tố (quận 2) và Trung Phú (Củ Chi).

Kết luận khá bất ngờ: “Không phải tất cả HS trường chuyên hoặc lớp chuyên đều có IQ cao”. Có 31% HS có IQ cao (từ 129 điểm trở lên), trong đó HS các trường chuyên có điểm IQ cao hơn hẳn các trường có lớp chuyên. Cao nhất là Trường LHP với 41%, PTNK 38%, TĐN 33%. Với mức thông minh vượt trội (từ 161 điểm IQ trở lên) thì ba trường chuyên cũng có những con số khá ấn tượng: PTNK 5,3%, TĐN 3% và LHP 2,2%. Theo nhóm nghiên cứu, đây sẽ là những nhân tài thật sự nếu được bồi dưỡng và đào tạo tốt.

Tuy nhiên, đáng chú ý là mặc dù học trường chuyên với đầu vào được tuyển gay gắt nhưng vẫn có những HS có IQ dưới trung bình dù không nhiều (20 HS, 2,5%), trong đó TĐN chiếm 2,4%, LHP 1,2%, PTNK 0,9% (đặc biệt Trường Nguyễn Thượng Hiền không có HS nào có IQ dưới trung bình). “HS có điểm IQ cao cũng có kết quả học lực cao”, đó là kết luận được đưa ra khi so sánh điểm IQ và điểm học lực của HS.

HS cũng được đánh giá cao về năng lực tư duy, trong đó óc suy diễn, sự tưởng tượng được đánh giá rất cao mà theo HS là do thường vận dụng các năng lực này cho việc học. Tuy nhiên, các năng lực lãnh đạo, dự báo, tham gia các hoạt động xã hội chỉ ở mức độ trung bình.

Điều này cũng thể hiện qua các trắc nghiệm EQ (đo lường các tiêu chí thuộc phẩm chất và năng lực), qua đó HS có các điểm mạnh như có thể làm việc dưới áp lực cao, có nhiều cảm thông với người khác, có sự rõ ràng quả quyết trong việc làm của mình và có nhận thức cá nhân cao. Tuy nhiên, tính cách mạnh mẽ, ý thức cao về bản thân đã làm HS các trường chuyên có tính cách quyết đoán, ít khi chịu nhân nhượng. HS chuyên có khả năng nhận thức được bản thân, đây là một kỹ năng không dễ có vì HS cần nhiều can đảm để đối diện với sự thật về bản thân như vẻ ngoài hay những hạn chế của chính mình. Ý thức về bản thân cũng giúp các bạn nhận ra trạng thái căng thẳng hay tình trạng bị ức chế để ứng phó kịp thời.

Ngược lại, kỹ năng xã hội của những HS này chiếm vị trí thấp trong 13 tiêu chí đánh giá EQ. Kỹ năng xã hội giúp HS được xã hội chấp nhận và biết chấp nhận. Điều này giải thích tại sao HS các trường chuyên lại khó chấp nhận ý kiến của người khác. HS chuyên có thể thông cảm với người “không bằng mình” nhưng không chấp nhận có người “hơn mình”, và chính tư duy này đã làm cản trở những nỗ lực nhằm phát huy tiềm năng của các em. Tư duy này cũng là một trong những cản trở đối với HS VN, làm cho kỹ năng hợp tác và làm việc theo nhóm không được phát huy đúng mức.

Ngoài ra, một điểm yếu khác trong tính cách của HS trường chuyên là sự kiềm chế thái độ và cảm xúc của mình. Họ cho rằng thể hiện cảm xúc như giận dữ, buồn chán, thất vọng, yêu mến, mừng rỡ... là “không bản lĩnh” hay “yếu đuối”..., mà không nghĩ rằng việc bày tỏ cảm xúc một cách trung thực rất cần thiết cho việc cân bằng trạng thái tình cảm và cuộc sống của một con người bình thường.



Vì sao?

Các tính cách trên phần nào được hình thành qua việc giáo dục ở nhà trường. Được đánh giá là những HS giỏi trong học tập nhưng các HS chuyên này lại không hài lòng về việc học tập của mình. Họ cho rằng việc sắp xếp nội dung học tập của trường chưa hợp lý. Chương trình quá nặng, dạy quá nhiều tiết cùng môn học trong một ngày gây căng thẳng cho HS. Các bạn đề nghị giảm bớt lý thuyết, tăng cường thực hành. Nên sắp xếp thời gian học và chơi hợp lý, chỉ nên cho học một buổi để buổi còn lại tự học, tự nghiên cứu bài vở phát huy các khả năng sáng tạo, bởi “ở trường bài vở đều do thầy cô giảng và giải hết rồi”.

Bên cạnh đó, HS cũng đề nghị việc bồi dưỡng HS giỏi nên tổ chức trên cơ sở lập kế hoạch rõ ràng, trên sự tự giác tự nguyện của HS. Giáo viên cần tạo niềm say mê cho HS chứ không nên áp đặt. Trong khi đó, các nhà quản lý lập luận rằng: “Chương trình học được xây dựng hiện nay không nhằm đào tạo các em trở thành những người toàn diện, mặc dù nhà trường được quyền chủ động về chương trình học và chương trình bồi dưỡng HS giỏi. Bởi các giáo viên dạy lớp chuyên thường xây dựng chương trình theo hướng đề thi các kỳ thi HS giỏi và áp lực của thi cử quyết định nội dung giảng dạy”.

Để giải tỏa những áp lực của việc học, các HS chuyên cũng mong ngoài nội dung học tập theo chương trình khung, các trường nên quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động ngoại khóa như tư vấn tâm lý tuổi mới lớn, giáo dục giới. Đa số các bạn muốn được đáp ứng nhu cầu tinh thần, thư giãn và bổ sung những kiến thức cần thiết từ thực tế cuộc sống, xã hội qua các hoạt động ngoại khóa như tham quan, du lịch, cắm trại, dã ngoại, đi chơi cả trường, đi thực tế vùng xa... Họ cũng có nhu cầu thử sức trong các hoạt động học mà chơi như các cuộc thi hùng biện bằng tiếng Việt và tiếng Anh, các hội thảo, trò chơi vận động, game show, chương trình ca nhạc, các kỳ thi tài năng, giao lưu với các trường khác và với HS nước ngoài. Thực tế hiện nay hoạt động ngoại khóa của một số trường chuyên rất kém! Góp ý cho cách giảng dạy hiện nay của nhà trường, HS chuyên đã đưa ra công thức: lý thuyết + thực hành + tham quan.

Theo Kim Liên - tuoitre.vn