Các bằng chứng mới được cung cấp cho thấy chỉ số IQ của người dân ở các nước Anh, Đan Mạch và Áo đang giảm dần trong khoảng mười năm trở lại đây. Hiện vẫn còn rất nhiều tranh cãi về việc liệu xu hướng này có phải là dài hạn hay không, nhưng một số nhà nghiên cứu tin rằng loài người đã đi qua thời kỳ đỉnh cao của trí tuệ.
Dữ liệu thu được từ bài kiểm tra IQ với mục đích xác định xem nam giới người Đan Mạch có đủ khả năng gia nhập quân đội hay không đã cho thấy chỉ số IQ của đàn ông nước này đã giảm 1,5 điểm kể từ năm 1998. Kết quả tương tự cũng xuất hiện trong các bài test IQ ở Anh và Áo – theo trang New Scientist. Lời giải thích bi quan nhất cho xu hướng này là con người đạt đến đỉnh của trí thông mình, và giờ là lúc trí tuệ loài người đi xuống.
Trong khoảng thời gian từ 1930 – 1980, chỉ số IQ trung bình ở Mỹ đã tăng lên tới 3 điểm. Cùng thời điểm sau chiến tranh, Nhật Bản và Đan Mạch cũng có sự cải thiện đáng kể về trí thông minh của người dân. Đây là một xu hướng có tên "Hiệu ứng Flynn" – theo tên của giáo sư James Flynn của Đại học Otago. Ông giải thích rằng sự tăng lên của trí tuệ là do sự cải thiện về dinh dưỡng và điều kiện sống, cùng với một nền giáo dục ngày càng hoàn thiện.
Giờ thì một số chuyên gia tin tưởng rằng chúng ta đã bắt đầu thấy sự kết thúc của hiệu ứng Flynn ở các nước phát triển – và đó là lý do vì sao điểm số IQ của những nước này thậm chí không còn giữ được ở mức cân bằng, mà đang giảm dần.
Một bộ phận các nhà khoa học, trong đó có giáo sư Flynn, tin tưởng rằng một nền giáo dục tốt hơn có thể đảo ngược xu hướng này và chỉ ra rằng sự suy giảm nhận thức ở con người có thể chỉ là nhất thời. Tuy nhiên những nhà khoa học khác thì không được lạc quan như vậy.
Một vài người tin rằng hiệu ứng Flynn đã đánh dấu một sự sụt giảm về nguồn gen quy định trí thông minh. Vì vậy mặc dù ngày càng có nhiều người có thể phát huy tối đa khả năng nguồn gen của mình, nhưng trí tuệ của con người lại đang ngày càng đi xuống. Theo họ, điều này là hoàn toàn có thể bởi những người có giáo dục đang ngày càng có ít con, vậy nên phần lớn những thế hệ tiếp theo của chúng ta sẽ do những người kém thông minh hơn sinh ra.
Richard Lynn, một nhà tâm lý học của trường Đại học Ulster, đã tính toán sự sụt giảm tiềm năng di truyền của loài người. Ông đã sử dụng dữ liệu về điểm số IQ trung bình trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ năm 1950 – 2000 để phát hiện ra rằng trí tuệ loài người đã giảm 1 điểm IQ trong khoảng thời gian này. Giáo sư Lynn dự đoán nếu xu hướng này tiếp tục thì đến năm 2050, chúng ta có thể mất thêm 1,3 điểm IQ nữa.
Giáo sư Michael Woodley của Đại học Brussels, Bỉ cho rằng phản xạ của con người ngày nay chậm hơn so với thời kỳ Victoria, và kết nối điều đó với sự suy giảm tiềm năng di truyền của chúng ta. Chúng ta đã biết rằng những người thông minh thường có phản xạ rất nhanh nhạy, và nghiên cứu của giáo sư Woodley cho thấy phản xạ của con người đã chậm hơn sau một thế kỷ – tương đương với mức giảm 1 điểm IQ.
Jan te Nijenhuis, giáo sư tâm lý tại trường Đại học Amsterdam, nói rằng người phương Tây đã mất trung bình 14 điểm IQ kể từ thời kỳ Victoria. Ông tin rằng điều này là do những người phụ nữ thông minh đang sinh ngày càng ít con hơn những người phụ nữ khác.
Giáo sư Woodley và những người khác thuộc nhóm các nhà khoa học tin rằng, con người sẽ trở nên ngày càng kém thông minh. Nhưng giáo sư Flynn nói rằng nếu sự sụt giảm chỉ số IQ đánh dấu cái kết của hiệu ứng Flynn, thì cuối cùng chỉ số đó cũng sẽ ổn định. Ông tin rằng kể cả nếu như con người có trở nên ngu ngốc hơn, thì những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn và công nghệ hiện đại sẽ giúp chúng ta giải quyết được vấn đề này.
Theo Anh Minh / Vnreview/ chisoiq.edu.vn
0 Nhận xét