Có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy âm nhạc có ảnh hưởng nhất định đến trí não của chúng ta. Bên cạnh đó không ít người tin rằng nhạc cổ điển, hay cụ thể hơn là nhạc Mozart có khả năng kích thích não bộ và khiến chúng ta thông minh hơn.
Tuy nhiên nếu nói về các bằng chứng khoa học chứng minh hiệu ứng Mozart thực sự có tác dụng, thì cho đến nay cũng chưa có một nghiên cứu khoa học nào có thể chứng minh điều này. Vậy sự thật về điều thần kỳ của âm nhạc Mozart là như thế nào?
Hiệu ứng Mozart
Cụm từ ‘Mozart effect’ được đặt ra từ năm 1991, tuy nhiên phải mất hai năm sau đó thì hiệu ứng này mới gây ra cơn sốt thực sự trên các phương tiện truyền thông và khiến rất nhiều người quan tâm cũng như tìm hiểu. Chúng ta cũng phải công nhận rằng nhà soạn nhạc Mozart là một thiên tài, âm nhạc của ông có chiều sâu. Chính vì thế mà có cơ sở để mọi người tin vào hiệu ứng Mozart, khi mà lắng nghe các bản nhạc của ông có giúp giúp trí não phát triển, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Thậm chí vào năm 1998, thống đốc bang Georgia tại Mỹ đã yêu cầu trích ngân sách nhà nước để mỗi em bé mới sinh có thể được nhận một đĩa CD nhạc Mozart. Không chỉ có tác dụng đối với con người, nhà tâm lý học Sergio Della Sala đã từng có một nghiên cứu tại trang trại mozzarella ở Ý, cho thấy rằng ngay cả gia súc khi được cho nghe nhạc Mozart cũng giúp tăng năng suất và sản lượng sữa.
Chỉ cần dựa trên những tác dụng trên cũng có thể thấy hiệu ứng Mozart thực sự tuyệt vời như thế nào. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn lại nghiên cứu đầu tiên của hiệu ứng Mozart mà các nhà khoa học tại đại học California đã tiến hành vào năm 1991. Mặc dù cụm từ ‘hiệu ứng Mozart’ không phải do họ đặt ra, mà là do các tờ báo giật title.
Trong nghiên cứu đó, những người tham gia không phải trẻ em hay các bà mẹ đang mang thai, mà là 36 sinh viên của trường đại học. Họ được yêu cầu hoàn thành 3 lần các bài kiểm tra IQ. Trước bài thử nghiệm đầu tiên họ được cho 10 phút yên tĩnh, trước bài thứ hai họ được cho nghe 10 phút nhạc thư giãn và trước bài thứ 3 họ được cho nghe 10 phút của một bản sonata của Mozart.
Kết quả là trong lần thử nghiệm thứ 3, khi được nghe nhạc Mozart thì các sinh viên đã hoàn thành bài kiểm tra tốt hơn hai lần trước đó. Bên cạnh đó, khả năng tưởng tượng hình ảnh của các sinh viên cũng tốt hơn một cách rõ rệt, khi hầu hết đều vượt qua thử thách sắp xếp hình khối cũng nằm trong bài kiểm tra IQ. Tuy nhiên điều quan trọng nhất mà các nhà khoa học kết luận, đó là hiệu ứng này chỉ kéo dài được khoảng 15 phút.
Âm nhạc kích thích não bộ
Như vậy nếu dựa trên kết quả của cuộc thử nghiệm trên, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng hiệu ứng Mozart không có tác dụng tăng cường trí thông minh hoàn toàn về sau này, mà nó chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian ngắn nhất định. Bên cạnh đó không có đủ bằng chứng về tác động của nhạc Mozart lên trí não của trẻ em cũng như những em bé nằm trong bụng mẹ.
Mặc dù vậy chúng ta cũng phải công nhận tác động tích cực, kích thích não bộ của nhạc Mozart. Vậy điều gì khiến cho các bản nhạc của Mozart có khả năng này.
Năm 2006, một cuộc thử nghiệm lớn được tiến hành tại Anh với 8000 tình nguyện viên là các em nhỏ. Các em được cho nghe 10 phút bản nhạc String Quintet của Mozart, một bài báo khoa học và ba bản nhạc pop ‘Country House’, ‘Return of the Mack’ và ‘Stepping Stone’, sau đó thực hiện các bài kiểm tra trí tuệ và hình học. Kết quả cho thấy nhạc Mozart có ảnh hưởng khá tốt khiến các em đạt điểm cao trong bài kiểm tra. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên hơn là những bản nhạc pop thậm chí còn có tác dụng tốt hơn cả nhạc Mozart.
Một thử nghiệm khác vào năm 2010 với các tình nguyện viên là người trưởng thành yêu thích thơ văn, đã không sử dụng âm nhạc mà sử dụng các đoạn thơ và đoạn văn trong các tác phẩm nổi tiếng. Kết quả cho thấy những hiệu ứng tích cực như việc sử dụng âm nhạc.
Từ đó các nhà khoa học rút ra một kết luận rằng không quan trọng những gì mà bạn nghe, điều quan trọng là bạn có thấy thích thú và tận hưởng điều đó hay không.
Tuy nhiên cũng có một cách thức khác mà âm nhạc có thể giúp trí não của chúng ta phát triển hơn (trong một thời gian dài), mặc dù nó không đơn giản như việc ngồi nghe một đĩa CD nhạc Mozart, đó là học chơi một nhạc cụ âm nhạc. Theo nhà khoa học nhận thức Jessica Grahn tại đại học Western cho biết, một năm học piano kết hợp với việc thực hành thường xuyên có thể làm tăng chỉ số IQ của bạn thêm 3 điểm (một con số không hề nhỏ).
Như vậy việc cho trẻ em nghe nhạc Mozart từ sớm có thể giúp trẻ thích thú hơn với âm nhạc cổ điển, tuy nhiên nó không hề có tác dụng làm tăng chỉ số IQ. Mặc dù vậy trước khi làm việc hay học tập, một vài phút thư giãn với thể loại nhạc mà bạn yêu thích sẽ giúp tăng hiệu suất của bạn lên rất nhiều.
Tham khảo: BBC, howstuffworks, wiki
0 Nhận xét