Chỉ số thông minh, hay IQ (viết tắt của intelligence quotient trong tiếng Anh), là một khái niệm được nhà khoa học người Anh Francis Galton đưa ra trong cuốn sách Hereditary Genius xuất bản vào cuối thế kỷ 19. Sau đó, nó được học trò của ông là J.Cattell và nhà tâm lý học người Pháp Alfred Binet phát triển bằng việc thảo ra những bài trắc nghiệm để kiểm tra năng lực trí tuệ của trẻ khi đi học. Binet nhận thấy rằng có mối liên hệ giữa khả năng học của một học sinh với kết quả bài trắc nghiệm của ông. Sau đó không lâu, nhà tâm lý học người Mỹ Giáo sư Lewis Terman (Giảng viên trường đại học Standford) đã phát triển bài trắc nghiệm gồm những câu phức tạp hơn để dùng cho người trưởng thành và đặt tên là bài trắc nghiệm chỉ số thông minh Stanford-Binet; nó nhanh chóng trở nên thông dụng trên khắp nước Mỹ, bùng phát mạnh vào năm 1917 khi nước Mỹ bước vào chiến tranh thế giới thứ nhất.

chỉ số iq


Ban đầu IQ được tính là thương số giữa tuổi trí tuệ và tuổi thực tế nhân với 100, tuy nhiên cách tích này nhanh chóng bộc lộ những khuyết điểm nên được phát triển thành các cách tính phổ biến theo độ lệch chuẩn 15, 16, 24.

Chỉ số IQ thường được cho là có liên quan đến sự thành công trong học tập, trong công việc, trong Xã hội, những nghiên cứu gần đây cho thấy có sự liên quan giữa IQ và sức khỏe, tuổi thọ (những người thông minh thường có nhiều kiến thức hơn trong việc chăm sóc bản thân) và cả số lượng từ mà người đó sử dụng.

Trong thế kỉ 20, chỉ số IQ trung bình của con người tăng lên một cách rất chậm: đó được gọi là hiệu ứng Flynn. Nhưng chúng ta vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn những sự thay đổi đó thể hiện chính xác sự thông minh dần thêm của con người. Trung bình chỉ số IQ trong một đời người hầu như không tăng hay giảm. Tuy nhiên vẫn có một ít người trải qua những sự thay đổi rất lớn. Ví dụ như trong một số tài liệu, một số chứng bệnh ảnh hưởng học tập có thể ảnh hưởng gây giảm chỉ số IQ rất lớn (Shaywitz, 1995).